Sữa chua là món ăn khoái khẩu của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, sữa chua ngoài ăn trực tiếp bạn cũng có thể biến tấu theo nhiều cách khác nhau. Cùng tìm hiểu một số món ngon từ sữa chua nhé!
Sữa chua nếp cẩm, sữa chua dẻo, sữa chua mít…. là những món ăn vô cùng ngon miệng và mát lành mà rất nhiều người yêu thích. Thực tế, có muôn vàn cách kết hợp sữa chua với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra những món ăn độc đáo. Dưới đây là những món ngon từ sữa chua “vừa lạ vừa quen” mà bạn nên nếm thử một lần.
1. Sữa chua nếp cẩm
Sữa chua nếp cẩm là món ăn vặt khá biến hiện nay. Món ăn này cực kỳ dễ làm, chỉ cần bỏ chút thời gian là bạn đã có thể chế biến tại nhà vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh.
1.1 Nguyên liệu
- Gạo nếp cẩm: 150g
- Sữa đặc: 190ml
- Sữa tươi không đường: 1 lít
- Lá dứa: 4 – 5 lá
- Đường: 100g
- Sữa chua: 1 hộp
1.2 Cách làm sữa chua nếp cẩm
Cho sữa tươi 1 lít, sữa đặc 190ml vào nồi, dùng muỗng gỗ khuấy đều hỗn hợp để sữa đặc và sữa tươi hoà quyện vào nhau. Sau đó, bắc nồi lên bếp đun nóng, khi sữa bắt đầu ấm khoảng 40 – 50 độ C thì tắt bếp. Trong quá trình đun sôi, bạn vớt bọt thường xuyên.
Trộn sữa chua vào trong nồi sữa tươi. Dùng rây lọc lỗ nhỏ để lọc sữa chua thật mịn, loại bỏ bớt phần cặn và sữa chua cũng sẽ mịn hơn.
Cho sữa chua vào các hũ thuỷ tinh có nắp đậy kín. Sau đó xếp từng hũ sữa chua vào nồi ủ hoặc thùng xốp ủ. Bạn rót nước nóng 40 độ C vào thùng, ngập khoảng 1/3 hũ thuỷ tinh là được. Khoảng 60 phút bạn kiểm tra nhiệt độ của nước. Ủ hỗn hợp sữa chua trong vòng 6 – 8 tiếng đồng hồ.
Gạo nếp cẩm đem ngâm trong nước lạnh từ 6 – 8 tiếng. Sau đó, vo gạo nếp cẩm và để ráo nước.
Cho nếp cẩm vào nồi hấp cho gạo mềm. Bạn có thể dùng nồi cơm điện, bật ở chế độ “keep warm” cho gạo chín dần. Hoặc bạn cho lên bếp nấu với nước cho hỗn hợp sệt lại là được.
Cuối cùng, lấy sữa chua đã ủ mịn cho ra chén hoặc ly, múc phần nếp cẩm bỏ lên trên và thưởng thức thôi nào. Ngoài ra, bạn có thể nấu thêm nước cốt dừa và nước cốt lá nếp dứa chung để có nước sốt lá dứa xanh đẹp mắt, thơm nồng rồi rót lên trên phần sữa chua nếp cẩm.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 4 người ăn
2. Sữa chua dẻo
Sữa chua dẻo là một biến tấu của món sữa chua thông thường. Tuy nhiên, điểm khác biệt của món ăn này là từng miếng sữa chua vuông vức không bị chảy, khi ăn lại có chút dai dai lạ miệng.
2.1 Nguyên liệu
- Sữa tươi ít đường: 1 lít
- Sữa đặc có đường: 210g
- Gelatin: 24g
- Sữa chua cái: 1 hộp
2.2 Cách làm sữa chua dẻo
Gelatin rửa với nước cho mềm.
Cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi, khuấy đều hỗn hợp. Sau đó, cho hỗn hợp sữa lên bếp đun nhỏ lửa, khi sữa nóng khoảng 60 – 70 độ C thì tắt bếp.
Cho gelatin đã mềm vào nồi hỗn hợp sữa và khuấy đều cho tan hoàn toàn. Cho tiếp sữa chua cái vào, khuấy tan.
Tiếp theo, cho sữa vào khuôn, hũ… có nắp đậy. Xếp sữa chua vào nồi cơm điện, đổ nước nóng già vào nồi sao cho phần nước ngập 2/3 hộp sữa chua. Đậy vung nồi cơm điện, ủ sữa chua khoảng 6-8 tiếng.
Cuối cùng. đem sữa chua sau khi ủ xong để vào ngăn mát tủ lạnh để làm mát. Khi ăn lấy sữa chua ra cắt miếng vuông.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 4 người ăn
3. Sữa chua mít
Sữa chua mít (Nguồn: Internet)
Mít kết hợp với sữa chua sẽ cho ra một món ăn cực kỳ bắt mắt và thơm ngon. Nếu yêu thích mít và sữa chua, sao bạn không thử bắt tay vào làm ngay món ăn này!
3.1 Nguyên liệu
- Sữa chua không đường: 6 hộp
- Sữa đặc có đường: 12 muỗng canh
- Mít đã bỏ hạt: 300g
- Lê; 2 quả
- Bột năng: 50g
- Hạt é: 20g
- Nước cốt dừa: 200ml
3.2 Cách làm sữa chua mít
Mít rửa sạch, thái sợi vừa ăn.
Hạt é rửa qua nước cho sạch, đổ nước nóng vào rồi ngâm cho nở.
Sữa chua nha đam
Lê gọt vỏ, thái hạt lựu. Sau đó trộn lê với bột năng, dùng rổ rây bớt phần bột thừa. Sau đó cho nồi lên bếp, đến khi nước sôi, cho phần lê đã áo bột năng vào.
Nấu khi nào thấy phần hạt lựu trở nên trong veo thì tắt bếp, vớt hạt lựu ra, cho ngay vào nước lạnh để phần hạt lựu không bị dính vào nhau.
Cho sữa chua vào tô. Sau đó cho tiếp hạt lựu, hạt é, mít, sữa đặc có đường, nước cốt dừa vào, trộn đều, thêm đá là bạn có thể thưởng thức được rồi.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 6 người ăn
4. Sữa chua nha đam
Sữa chua nha đam (Nguồn: Internet)
Nếu bạn đã say đắm vị sữa chua nha đam thì còn chần chừ gì không xắn tay áo để làm món sữa chua hấp dẫn này ngay tại nhà?!
4.1 Nguyên liệu
- Sữa đặc: 1 hộp
- Nha đam: 1 cây lớn
- Sữa chua không đường: 1 hộp
- Sữa tươi không đường: 2 hộp
- Đường: 2 muỗng canh
4.2 Cách làm sữa chua nha đam
Nha đam gọt vỏ, lấy phần ruột trắng bên trong. Ngâm phần ruột vào nước chanh muối pha loãng khoảng 10 phút. Sau đó, vớt nha đam ra, rửa với nước sạch nhiều lần. Cắt nha đam thành từng miếng nhỏ, xả qua với nước lạnh vài lần rồi để ráo.
Nấu nồi nước sôi, cho nha đam vào luộc qua tầm 1 phút rồi vớt nha đam ra, cho ngay vào một tô nước đá lạnh có pha sẵn 2 muỗng canh đường, ngâm trong 2 tiếng để nha đam thấm vị ngọt.
Cho sữa đặc vào một cái thau sạch, đổ nước ấm khoảng 40 độ C vào, dùng thìa khuấy nhẹ để sữa tan đều. Tiếp tục đổ sữa tươi rồi khuấy đều. Cho tiếp 1 hộp sữa chua không đường vào, khuấy nhẹ tay.
Lọc hỗn hợp sữa qua rây 1 lần. Sau đó cho nha đam vào, trộn đều hỗn hợp với nhau.
Cho sữa chua ra hũ đựng sữa chua, rồi xếp lần lượt những hũ sữa chua này vào một cái nồi to có nắp đậy. Cho nước sôi khoảng 40 – 50 độ C vào nồi , lượng nước ngập 1/3 hũ rồi đậy nắp lại. Ủ sữa chua trong vòng 8 tiếng.
Sau 8 tiếng là bạn có thể thưởng thức món sữa chua nha đam này rồi.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 7 người ăn
5. Sữa chua xoài
Sữa chua xoài dẻo mịn là món ăn rất thích hợp cho những ngày nắng nóng. Cùng vào bếp để thực hiện món ăn này với những bước làm cực kỳ đơn giản sau đây:
5.1 Nguyên liệu
- Xoài chín: 1 trái
- Đường: 20g
- Sữa chua không đường: 200ml
- Nước cốt chanh: 10ml
5.2 Cách làm sữa chua xoài
Xoài gọt vỏ, cắt hạt lựu, chừa ra một ít để trang trí sau khi hoàn thành. Phần còn lại bạn cho vào máy xay sinh tố cùng 20g đường, 10ml nước cốt chanh và vài viên đá nhỏ. Xay hỗn hợp trên thật mịn, không còn lợn cợn đá là được.
Cho sữa chua vào ly, rót hỗn hợp xoài đã xay mịn ở bước 1 vào. Thêm một ít xoài cắt hạt lựu lên trên. Vậy là bạn đã có được một ly sữa chua xoài thơm ngon, mát lạnh rồi.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 2 người ăn
6. Sữa chua chanh leo
Ngoài phiên bản sữa chua truyền thống, bạn có thể thử làm món sữa chua chanh leo dưới đây, đảm bảo sẽ khiến bạn phải ngất ngây vì độ thơm ngon và hấp dẫn của món ăn này.
6.1 Nguyên liệu
- Sữa đặc: 360g
- Sữa tươi: 400ml
- Sữa bột: 2 muỗng
- Sữa chua: 200g
6.2 Cách làm sữa chua chanh leo
Chanh leo cắt đôi, lọc hạt qua rây, chắt lấy khoảng 80 ml nước cốt chanh leo.
Cho nước sôi khoảng 50 độ C vào tô, thêm sữa đặc, khuấy đều.Tiếp theo cho sữa bột và sữa chua vào cùng, khuấy đều. Cuối cùng cho nước cốt chanh leo vào, khuấy thêm lần nữa là xong.
Cho sữa chua vào hũ đựng. Đặt hũ sữa chua vào nồi to có nắp đậy, chế nước ấm khoảng 40-50 độ C ngập 1/3 hũ, đậy nắp lại ủ trong 8 tiếng.
Sau 8 tiếng ủ thì món sữa chua chanh leo đã sẵn sàng để thưởng thức. Để sữa chua được ngon hơn, bạn nên bảo quản chúng trong tủ lạnh.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 4 người ăn
7. Sữa chua trà xanh
Sữa chua trà xanh có màu xanh cực kỳ bắt mắt và mùi thơm dịu man mát rất đặc trưng. Món ăn này rất thích hợp để làm món giải nhiệt thật ngon cho những ngày hè oi bức.
7.1 Nguyên liệu
- Sữa tươi: 1 lít
- Sữa đặc: ½ hộp
- Sữa chua không đường: 2 hộp
7.2 Cách làm sữa chua trà xanh
Hòa sữa tươi với sữa đặc, sau đó đem đun nóng đến khoảng 40 độ C thì tắt bếp.
Hòa tan bột trà xanh với nước ấm, nếu bột không tan hết thì lọc qua rây. Sau đó đổ nước trà đã hòa tan vào sữa, cho 2 hộp sữa chua không đường vào khuấy đều cho tan hết.
Đun một nồi nước đến khoảng 70 – 80 độ, C khi thấy phía dưới đáy nồi bắt đầu sôi lăn tăn từ dưới lên thì tắt bếp. Trong thời gian chờ đun nước thì bạn múc sữa chua vào các hộp và đậy nắp kín.
Đổ nước đã đun vào thùng xốp, xếp sữa chua vào thùng sao cho nước ngập đến 2/3 hũ sữa của bạn. Ủ sữa từ 6-8 tiếng hoặc qua đêm rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng là có thể dùng được rồi.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 2 người ăn
8. Sữa chua lá dứa
Sữa chua lá dứa (Nguồn: Internet)
Ly sữa chua lá dứa với màu xanh đẹp mắt cùng với hương thơm thanh mát sẽ khiến nhiều người mê mẩn khi ăn.
8.1 Nguyên liệu
- Sữa đặc: 180g
- Sữa tươi không đường: 700ml
- Sữa chua cái: 1 hộp
- Lá dứa: 1 nắm
8.2 Cách làm sữa chua lá dứa
Lá dứa rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng với 200ml nước. Sau đó dùng rây lọc và lấy ra 200ml nước cốt lá dứa.
Cho sữa tươi vào nồi, đặt lên bếp đun đến khi thấy sữa vừa lăn tăn thì tắt bếp. Đổ sữa đặc vào hoà tan hoàn toàn. Thêm nước lá dứa vào khuấy đều lên. Tiếp tục cho sữa chua cái vào, khuấy đều cho sữa chua cái tan ra.
Múc sữa chua vào từng hũ đựng sữa chua đã chuẩn bị sẵn.
Xếp một miếng vải vào 1 thùng xốp, rồi xếp sữa chua vào trong, phủ tiếp 1 lớp vải lên trên, sau đó đậy nắp hộp lại. Ủ sữa chua khoảng 8 tiếng.
Cuối cùng, cho sữa chua vào ngăn mát tủ lạnh trữ lạnh trước khi dùng.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 2 người ăn
9. Sữa chua hạt đác
Sữa chua hạt đác (Nguồn: Internet)
Hạt đác tốt cho sức khỏe, khi mix với sữa chua lại cho ra một món ăn vặt chỉ có ngon và ngon hơn.
9.1 Nguyên liệu
- Hạt đác: 150g
- Đường: 100g
- Sữa chua không đường: 4 hộp
9.2 Cách làm sữa chua hạt đác
Hạt đác nên mua loại đã bóc vỏ sẵn. Khi mua về bạn mang đi rửa sạch để hạt hết nhớt. Nếu hạt đác còn nhớt sẽ rất nhanh bị hỏng.
Đun sôi 300 ml nước cùng 100g đường, sau đó cho hạt đác vào rim trong vòng 15 – 20 phút rồi tắt bếp, để nguội.
Cho sữa chua không đường vào ly rồi cho hạt đác đã rim vào, thêm đá vào là có thể thưởng thức rồi.
Lưu ý: Món ăn này là một phần dành cho 4 người ăn
Nhìn chung, sữa chua ăn trực tiếp đã rất ngon, tuy nhiên nếu biết cách biến tấu thì bạn vẫn có thể làm ra được thêm nhiều món ngon từ sữa chua khác nữa!